Top 12 sách hay nhất nên đọc nhất của Murakami Haruki tổng hợp tác phẩm hay nhất của Haruki Murakami, sách mới nhất của Haruki Murakami như Rừng Na Uy, Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới, Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương…
 |
Top 12 sách hay nhất nên đọc nhất của nhà văn Haruki Murakami |
Tiểu thuyết gia, dịch giả văn học Nhật Bản Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto và hiện đang sống ở Boston, Mỹ là một tác giả rất nổi tiếng ở Nhật cũng như nước ngoài. Ông từng nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 mà cho đến thời điểm hiện tại các tác phẩm của ông được đón nhận nồng nhiệt và được dịch ra khoảng 38 thứ tiếng trên thế giới.
Murakami được giới văn học Nhật Bản đương đại đặt cho những mĩ danh ‘nhà văn được yêu thích’, ‘nhà văn best-seller’, ‘nhà văn của giới trẻ’.
Một số trích dẫn Haruki Murakami được yêu thích:
“Mọi thứ bạn tìm kiếm sẽ đến vào lúc bạn không ngờ tới” (Kafka bên bờ biển)
“Cuộc đời không như dòng nước. Sự vật hiện tượng trong cuộc sống chưa chắc đã chảy xuống theo con đường ngắn nhất” (1Q84)
“Ngay cả khi bạn có thể quay ngược thời gian thì bạn cũng không kết thúc được nơi đã bắt đầu” (1Q84)
“Nhưng có ai dám bảo chỉ thế mới là tốt đẹp nhất đâu? Cho nên cậu cần phải chộp lấy bất kì cơ hội hạnh phúc nào mà cậu có, và đừng áy náy vì người khác nhiều quá. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta chỉ có độ hai hoặc ba cơ hội như thế trong đời và nếu để lỡ thì sẽ phải ân hận cho đến chết vậy.” (Rừng Na Uy)
1. Rừng Na Uy
Sách hay nhất của nhà văn Haruki Murakami là Rừng Na-Uy được xuất bản lần đầu năm 1987 gây cú sốc với độc giả khắp thế giới không chỉ do từng câu chữ khai thác quá sâu về tính dục mà người đọc nhất là người trẻ Nhật còn cảm thấy bóng dáng cuộc đời chính họ ở trong đó.
Nhà văn Haruki Murakami ghi lại dòng hồi tưởng của chàng sinh viên Watanabe Tōru. Đây là một chàng sinh viên bình thường nhưng tự thu mình vào vỏ óc nhỏ bé ít giao tiếp với người xung quanh để rồi trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời phải nếm trải tận cùng đau khổ và cả hạnh phúc tột cùng. Tuy nhiên, dù đau khổ thầm kín nhưng Watanabe Tōru vẫn có thể chịu đựng từ năm này qua năm khác chứ không như Kizuki đã kết thúc nỗi buồn bằng một bi kịch không chỉ cho bản thân mà cả người bạn gái Naoko phải ân hận suốt đời.
Với ngòi bút tinh tế, Haruki Murakami đã rất thành công khi thao túng ngôn từ, thao túng cả thời gian và không gian, tất nhiên hạnh phúc hay khổ đau của nhân vật. Trong bàn tay của Haruki Murakami, các nhân vật song hành với Toru Watanabe liên tục thay đổi một cách lạnh lùng dường như không hề báo trước để dẫn dắt cốt truyện từ chuyện này sang chuyện khác.
Đặc biệt, người đọc sẽ cảm nhận được diễn biết nội tâm vô cùng sâu sắc của nhân vật, đó là những ám ảnh về khổ đau, mất mát mà không phải ai cũng có thể dứt ra được. Có thể họ tuyệt vọng vô cùng khi không tìm được cách cân bằng cuộc sống nhưng Haruki Murakami đã tìm ra con đường thoát cho tất cả, đó là: Thời gian. Thời gian trôi qua có thể xóa nhòa mọi thứ và đó cũng là cái kết ấn tượng nhất của tác phẩm.
Advertisement
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 1987
Tác giả: Murakami Haruki
Thể loại: Tiểu thuyết giáo dục
Phỏng theo: Rừng Na Uy (2010)
Nhà xuất bản: Kōdansha
Nhân vật: Kobayashi Midori, Naoko, Watanabe Tōru, Kizuki
2. Kafka Bên Bờ Biển
Kafka Bên Bờ Biển là một trong tác phẩm hay nhất của Haruki Murakami giúp ông đoạt giải thưởng văn học Franz Kafka năm 2006.
Nhân vật của tác phẩm là Kafka Tamura mới mười lăm tuổi bị người cha đối xử tệ bạc nên quyết định bỏ nhà ở Tokyo mà trốn đi nơi khác. Một nhân vật khác cũng khao khát rời khỏi nơi ở quen thuộc của mình, đó là một ông già tên Nakata. Không hiểu tự khi nào mà số phận hai nhân vật này đan xen vào nhau để cho người đọc say sưa cùng chuyến du hành sóng gió đậm chết hiện đại và mơ mộng giữa đất nước Nhật Bản đương đại.
Hẳn người đọc sẽ nhận ra rằng những chương đầu của sách khá khó đọc với nhiều tuyến truyện đan xen lẫn nhau, tưởng chừng như vô cùng rối rắm nhưng dần dần gợi mở ở cuối truyện. Với Kafka Bên Bờ Biển, người đọc sẽ mất khá nhiều thời gian vì những câu từ tuy đơn giản nhưng sâu sắc đầy triết lý khiến bạn phải suy nghĩ sau khi đọc từng đoạn, từng đoạn để rồi vô cùng thấm thía những điều mà Haruki Murakami nhắn gửi bên trong chất truyện man mác nỗi buồn để cảm thấy mình tươi trẻ và khỏe khoắn hơn bao giờ hết.
Steven Moore từng chia sẻ với The Washington Post rằng: “Tác giả Nhật Haruki Murakami được yêu thích nhất tại Mỹ này có thể xuất bản ẩn danh tác phẩm này mà những fan của ông vẫn sẽ nhận ra tức khắc. Còn với những ngưòi đọc lần đầu, Kaffa bên bờ biển sẽ là giải thích xuất sắc cho tiếng tăm xứng đáng của ông cả ở phương Tây lẫn ở quê nhà. Ông viết ra loại văn hậu hiện đại, triết lý, hoang đường mà đọc thì thật lý thú, ông trầm trọng hơn Tom Robbins, nhẹ nhõm hơn Thomas Pynchon.”
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 12 tháng 9, 2002
Tác giả: Murakami Haruki
Số trang: 615
Nhân vật: Kafka Tamura, Miss Saeki, Satoru Nakata, Oshima, Hoshino
Các thể loại: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Kỳ ảo
Giải thưởng: World Fantasy Award—Novel, New York Times 10 Best Books of the Year
3. Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ
Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ là một trong sách hay nhất của nhà văn Haruki Murakami mà nếu bạn lỡ phải lòng tác giả Nhật Bản thì nhất định phải đọc. Cách ông đến với văn chương thế nào? Vì sao ông chọn môn chạy bộ? Ông khuyên thế nào về nghề viết? Những câu hỏi ấy đã được trả lời một cách tinh tế nhất với kế hoạch chi tiết, cẩn thận nhất trong Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ.
Với cách hành văn nhẹ nhàng đôi lúc hài hước và cả tự sự, tác giả Murakami viết tác phẩm này dường như là món quà dành tặng những người chạy bộ trên đường dù lạ, dù quen, đó là có thể là người chạy sau ông, người vượt qua ông hay người bị ông vượt qua. Và bạn sẽ bắt gặp cả cách tác giả có những so sánh độc đáo về chạy bộ và viết văn, về chạy bộ và cách tác giả nhìn nhận cuộc đời.
Ngoài ra, nếu thường ngày, chạy bộ quanh nhà khiến bạn cảm thấy đơn điệu thì với sách hay nên đọc của Haruki Murakami, bạn sẽ lạc vào thế giới chạy bộ vô cùng phong phú trên những con đường tuyệt đẹp tại Boston, New York hay con đường nhỏ lãng mạn ven bờ sông Charles hay cung đường marathon khởi thủy Athens – làng Marathon.
Nếu lần đầu đến với Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ, nhìn thấy bìa sách và tiêu đề, bạn cứ ngỡ tác giả đơn thuần viết về chạy bộ và khuyến khích chạy bộ. Nhưng đọc từng chương, từng chương bạn cảm nhận được tác phẩm rất sâu sắc khi tác giả tinh tế lồng ghép vào câu chuyện tưởng chừng như bình thường nhưng câu văn truyền cảm hứng, tạo động lực sống cho mọi người.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 15 tháng 10, 2007
Tác giả: Murakami Haruki
Thể loại: Hồi ký
Số trang: 175
Quốc gia: Nhật Bản
4. Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời
Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời là kể về cuộc đời nhân vật chính tên Hajime, từ lúc còn trẻ với biết bao khát vọng, hoài bão muốn trở thành người đàn ông giàu có. Hajime là đại diện cho lớp thanh niên Nhật Bản thời kỳ luôn bị ám ảnh bởi quá khứ nghèo khó rồi bơ vơ tuyệt vọng khi đối diện với tương lai tưởng chừng như vòng lặp kỳ quặc không bao giờ thoát ra được.
Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời khắc họa thành công không chỉ nội tâm người Nhật mà cả bức tranh nước Nhật suốt sau thập niên 80. Đó là thời kỳ nước Nhật thật sự tư bản hóa. Ở đâu đó trong khắp nước Nhật đều thấy con người làm mọi thứ để khỏa lấp nỗi cô đơn đang hành hạ hàng ngày, nhất là để thỏa mãn khao khát tự do thì đắm chìm trong nhạc Jazz…
Như bất kỳ tác phẩm nào khác của nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản, Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời ẩn chứa nhiều giá trị đáng suy ngẫm về những góc khuất trong tâm hồn và cuộc sống con người. Điều này chứng tỏ được sức mạnh nội tại và tầm ảnh hưởng của tác phẩm rất lớn so với sự đơn giản trong từng câu chữ trong tác phẩm.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 5 tháng 10, 1992
Tác giả: Murakami Haruki
Nhà xuất bản: Kōdansha
Quốc gia: Nhật Bản
Các thể loại: Tiểu thuyết, Hư cấu, Tiểu thuyết lãng mạn, Giả tưởng suy đoán
5. Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà
Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà một tuyển tập truyện ngắn gồm bảy truyện nhỏ ghép lại với nhau, đó là: Drive My Car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu và cuối cùng là Những người đàn ông không có đàn bà.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà chính là những sự biến mất đột ngột không hề được tác giả dự báo trước. Điều đó khiến độc giả vô cùng bất ngờ lẫn hứng thú đọc để tìm hiểu chân tướng sự việc: về một con mèo đi hoang, một người bạn cắt liên lạc không rõ nguyên nhân, một phụ nữ bỏ đi…
Trong truyện ngắn Drive My Car, độc giả cảm thấy khó hiểu khi Murakiami dành nhiều thời lượng để diễn tả quan điểm của nhân vật chính về việc “phụ nữ lái xe” với giọng văn chính luận khô cứng. Nhưng khi đọc đoạn tiếp theo, độc giả như vỡ òa ra đó chính là ý đồ của tác giả vì sau đó Murakami tinh tế hé lộ mối quan hệ giữa nhân vật chính và Misaki đồng thời đan xen nhiều tình tiết liên tục nối tiếp khiến khán giả không thể bỏ qua bất kỳ câu chữ nào.
Còn ở truyện ngắn Kino thì giống như cuốn nhật ký ghi lại những điều vụn vặt bình thường trong cuộc sống với những lời kể vô thưởng vô phạt chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, đến cuối cùng những chi tiết ấy lại liên quan với nhau đến mức lạ lùng mà người đọc phải lần giở lại để hiểu sâu sắc hơn.
Advertisement
6. 1Q84
1Q84 là tên tiểu thuyết gồm 3 tập của nhà văn Murakami Haruki với cách hành văn quen thuộc, giản đơn mà nhiều tầng ý nghĩa của nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Tập đầu tiên của tiểu thuyết, tác giả đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới nửa hư nửa thực đậm đặc những ám thị đúng chất Murakami. Nhân vật chính là Aomame sau những biến cố không mong muốn thì cảm thấy thế giới này dường như không còn là năm 1984 quen thuộc nữa mà là một thế giới khác lạ, bí ẩn được nàng đặt tên là 1Q84. Trong đó, ‘Q’ có nghĩa là ‘question’ dùng để ám chỉ những điều nàng thắc mắc không hiểu được. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó mà trở nên vô cùng phức tạp với sự xuất hiện của giáo phái huyền bí Sakikage đã khiến Aomame lâm vào tình cảm hiểm nguy…
Tập thứ hai thì câu chuyện hấp dẫn và diễn ra nhanh hơn bởi có nhiều nút thắt được hé lộ với những tình tiết bất kỳ độc giả nào cũng bất ngờ. Murakami đã lý giải những vấn đề tưởng chừng như bí ẩn ở tập 1 là cách chế tạo Nhộng không khí hay thế giới có hai mặt trăng…
Khi đã quá quen với nhịp nhanh của tập hai, bước qua tập ba độc giả hơi bất ngờ khi nhịp truyện bỗng vô cùng chậm rãi với từng chi tiết trong cuộc sống của nhân vật. Ngoài hai nhân vật là Aomame và Tengo, tác giả đột nhiên giới thiệu thêm kẻ phản diện có ngoại hình xấu xí là Ushikawa được giáo hội thuê để điều tra tung tích của Tengo.
Xuyên suốt tiểu thuyết 1Q84 là những điều lạ lùng nhưng khi kết thúc tác giả không hề giải thích lời nào về những điều lạ lùng trong truyện. Mọi tình tiết đều bỏ ngỏ và mỗi độc giả suy nghĩ cái kết của riêng mình.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 16 tháng 4, 2010
Tác giả: Murakami Haruki
Số trang: 928
Nhà xuất bản: Shinchosha
Nhân vật: Aomame, Fuka-Eri, Ushikawa, Tengo Kawana, Tamotsu Fukada, Professor Ebisuno, Shizue Ogata, Tamaru, Komatsu
Các thể loại: Lịch sử thay đổi, Vũ trụ thay thế
7. Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót của Murakami một lần nữa đặt câu hỏi nhức nhối về ranh giới giữa sự sống và cái chết. Nhân vật chính của truyện là Toru Okada luôn khát khao tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: Giữa cuộc đời này ta là ai?. Toru Okada trong Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót cũng giống như nhân vật chính trong Rừng Na Uy là điểm tựa giúp Murakami thỏa sức lý giải ý nghĩa của sự tồn tại trong cuộc đời.
Đọc tựa đề, không ít độc giả tự hỏi: Tại sao lại là một con chim vặn dây cót mà không phải là những con chim bình thường khác? Chim vặn dây cót mới có thể kêu thì chứng tỏ thể xác và tâm hồn của nó có còn nữa hay không? Càng lần giở từng chương truyện, người đọc mới khám phá ra cái ẩn ý sâu sa của tác giả khi nhân vật chính còn có tên là “Anh Chim vặn dây cót”.
Toru Okada mãi là “Anh Chim vặn dây cót’ suốt ngày đối diện với bốn bức tường, hài lòng với cuộc sống nếu như không có một ngày cô vợ của anh bỗng dưng biến mất. Từ đây, độc giả bắt đầu song hành cùng cuộc phiêu lưu kì dị của nhân vật chính qua đó khám phá thực tại dường như bất biến lại biến đổi không ngừng qua mỗi bước chân.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 25 tháng 8, 1995
Tác giả: Murakami Haruki
Số trang: 607
Nhân vật: Toru Okada, May Kasahara, Noboru Wataya, Lieutenant Mamiya, Kumiko Okada
Các thể loại: Tiểu thuyết, Hư cấu, Khoa học viễn tưởng, Giả tưởng suy đoán, Hư cấu tâm lý
Giải thưởng: Yomiuri Prize for Literature: Fiction
8. Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương xoay quanh câu chuyện về chàng trai Tazaki Tsukuru. Chàng trai 36 tuổi, độc thân sống an nhàn với khoản tài sản thừa kế khá lớn từ người cha giàu có. Những tưởng với điều kiện như thế Tsukuru sẽ vui vẻ, hạnh phúc sống nhưng nào ngờ tâm hồn anh luôn đau khổ bởi những thương tổn trong quá khứ hoàn toàn là một người đàn ông ưu tú, cuộc sống nhìn bề ngoài tốt đẹp.
Thế nhưng, ẩn sâu trong tâm hồn là những thương tổn bắt đầu từ khi anh rời bỏ quê hương, rời bỏ bốn người bạn thân nhất để đến Tokyo học thực hiện ước mơ của bản thân.
Trong các tiểu thuyết của Murakami, âm nhạc là chi tiết không thể thiếu góp phần làm nội dung tác phẩm sâu sắc hơn. Trong Rừng Nauy, bản nhạc Norwegian Wood của The Beatles luôn được nhắc lại nhiều lần, thì trong tác phẩm mới nhất này Le mal du pays (Hoài hương) là bản số 8 trong phần 1 – Suisse, thuộc tổ khúc Những năm hành hương của nhà soạn nhạc Liszt vang lên du dương từ đĩa than của Haida trong căn hộ của Tsukuru ở Tokyo, lúc cất lên trong ngôi nhà ven hồ của Đen tại Phần Lan. Le mal du pays với những đơn âm đã phủ lên cuốn tiểu thuyết không khí u sầu, lặng lẽ và cô độc.
So với những tác phẩm khác, Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương dễ đọc hơn nhưng cũng rất sâu sắc. Tất nhiên, rất nhiều độc giả sẽ nhận ra thông điệp ấy giữa thời đại mà con người mãi trôi dạt giữa mảnh đất Google và Facebook xóa nhòa khoảng cách biên giới đời thực.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 12 tháng 4, 2013
Tác giả: Murakami Haruki
Người minh họa: Morris Louis
Quốc gia: Nhật Bản
Các thể loại: Literary realism, Tiểu thuyết giáo dục
Đề cử: Giải Sự lựa chọn của Goodreads cho Sách thể loại hư cấu hay nhất
9. Ngầm
Ngầm được gọi là một tác phẩm báo chí thấm đẫm chất văn chương khi tái hiện thành công cuộc tấn khủng khiếp bằng vũ khí hóa học của giáo phái Aum vào tàu điện ngầm ở Tokyo vào năm 1995. Cuộc tấn cong6n khiến mười hai dân thường thiệt mạng nhưng con số bị thương lên đến hàng ngàn trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời.
Với cái nhìn khách quan về vụ tấn công, Haruki Murakami khắc họa những bất ổn sâu sắc, nung nấu từ lâu trong xã hội ẩn sau vẻ ngoài bình lặng của con người. Những kẻ thủ ác không mong muốn gia nhập guồng quay khủng khiếp của xã hội và mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp khác.
Tựa đề Ngầm dường như đúng với nghĩa đen của nó, đó là điều nằm ẩn sâu ở đâu đó trong xã hội Nhật Bản thậm chí trên toàn thế giới mà rất ít người thậm chí là không ai biết đến. Để rồi, khi điều đó bộc phát thành những tội ác thì liệu những lời xin lỗi, những bản ấn tử hình… có mang lại điều tốt đẹp không?
10. Người Tình Sputnik
Người Tình Sputnik là tác phẩm đầu tiên Haruki Murakami đụng chạm đến vấn đề đồng tính nữ. Tất nhiên, nhà văn không hề mượn điều này để hấp dẫn người đọc mà điều cuốn hút người đọc chính là nghị lực, khao khát sống mạnh mẽ của nhân vật quyết tâm tìm ra ý nghĩa thực sự sự tồn tại của bản thân.
Câu chuyện mở đầu bằng chuyện tình của Sumire khi cô vừa tròn hai mươi hai tuổi biết yêu lần đầu tiên. Tình yêu đầu đời của cô gái vô cùng mãnh liệt tựa như cơn lốc cuốn bay mọi thứ gặp trên đường.
Cuốn sách nhỏ, được viết xen kẽ như quãng nghỉ ngắn giữa những cuốn nặng ký của Murakami, là những ẩn dụ đẹp nhưng buồn da diết về sự cô độc của kiếp người.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 1999
Tác giả: Murakami Haruki
Số trang: 229
Nhà xuất bản: Kōdansha
Quốc gia: Nhật Bản
Các thể loại: Tiểu thuyết, Hư cấu, Giả tưởng suy đoán
11. Cuộc Săn Cừu Hoang
Cuộc Săn Cừu Hoang là một trong những sách hay nhất của Haruki Murakami viết về vị thế của cá nhân con người trong cuộc sống đương đại cùng những sai lầm và cả những câu hỏi tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống mà không phải ai cũng có thể trả lời được. Ngay những trang đầu tiên Murakami đã khai phá những vấn đề nóng bỏng mà giới trẻ luôn gánh chịu trong cuộc sống: Đó là tình yêu và nhu cầu mang tính bản năng giữa nam nữ khi yêu nhau và cả những vấn đề họ đối mặt sau đó.
Murakami đã phơi bày sự thật về tình yêu tưởng chừng như toàn màu hồng nhưng thật ra toàn những điều đen tối, xóa nhòa mọi giá trị đạo đức khi họ yêu nhau, dâng hiến tất cả cho nhau rồi chuốc lấy hậu quả khủng khiếp nhất. Tất nhiên, người con gái gánh chịu tất cả những điều tồi tạ nhất, không có cách gì thoát ra được.
Những dòng chữ cuối tác phẩm như từng cây kim đâm vào tim độc giả khi nhân vật đơn độc giữa dòng dời hàng tỷ người nhưng không nhận được bất kỳ cảm thông nào: “Tôi đi dọc bờ sông lên tới cửa sông. Tôi ngồi xuống bốn mươi lăm mét bờ biển cuối cùng, rồi khóc. Tôi chưa bao giờ khóc nhiều như thế trong đời. Tôi phủi cát khỏi quần rồi đứng dậy, như thể tôi có một nơi nào đó để đi. Ngày đã gần tàn. Tôi có thể nghe thấy tiếng sóng khi cất bước.”
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 13 tháng 10, 1982
Tác giả: Murakami Haruki
Thể loại: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Phần trước: Pinball, 1973
Phần tiếp theo: Nhảy nhảy nhảy
Giải thưởng: Noma Literary Prize
12. Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới
Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới được xem là một trong những tiểu thuyết phức tạp và rất đồ sộ của H.Murakami với hàng loạt những motip truyện, cũng như cách kể đúng chất H.Murakami như: những bản nhạc jazz, rock của phương Tây, vợ và con mèo cùng bỏ nhà ra đi, sự đam mê whiskey và bia… Tất nhiên không thiếu hình tượng người không có bóng, các chuyến hành trình truy tìm bản ngã, sự tồn tại song hành của nhiều cái tôi, thế giới của bóng tối…
Motip Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, đó là việc chàng Orpheus quyết tâm tìm người vợ đã mất ở địa ngục. Chính H.Murakami từng chia sẻ rằng: “Nếu bạn tưởng tượng thế giới bạn đang sống là một ngôi nhà với tầng trệt và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ theo hướng đó”
Tiểu thuyết là câu chuyện kỳ lạ về hai người không hề quen biết nhau lại cùng chung chí hướng khi quyết tâm lao vào cuộc tranh đấu không mệt mỏi để khám phá và giữ gìn bản ngã. Độc giả lần giở từng chương truyện như khám phá từng lớp bí mật ẩn sâu, ẩn sâu mãi rồi phải nghiền ngẫm, suy nghĩ một thời gian mới có thể lựa chọn cho mình một cái kết, hay nói khác đi là độc giả và cả nhân vật của truyện bị đặt vào một cái kết không thể chọn lựa.
Thông tin sách:
Xuất bản lần đầu tiên: 15 tháng 6, 1985
Tác giả: Murakami Haruki
Người minh họa: Osamu Tsukasa
Quốc gia: Nhật Bản
Các thể loại: Giả tưởng suy đoán, Khoa học viễn tưởng, Chủ nghĩa siêu thực, Tiểu thuyết
Giải thưởng: Tanizaki Prize
Đây đều là những cuốn sách hay nhất nổi tiếng nhất của nhà văn Haruki Murakami. Nếu bạn yêu thích văn học, yêu thích nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản thì không thể bỏ qua những tác phẩm này. Đừng ngại chia sẻ bài viết để mọi người cùng xem, bạn nhé!
Xem thêm: