Ai cũng muốn tăng hiệu suất công việc, 9 cách hay nhất để tăng hiệu suất công việc dành cho những người đam mê công việc và muốn đạt được thành công tốt nhất.
1. Tối ưu hóa nhiệm vụ quan trọng nhất
Chỉ có một vài yếu tối nổi bật trong mọi lĩnh vực cuộc sống của bạn (như trí óc, cơ thể, cảm xúc, mối quan hệ, sự nghiệp, tài chính và sự hài hước) chi phối chủ yếu đến giá trị của từng lĩnh vực. Ví dụ như chỉ một số hoạt động trong công việc của bạn mang lại cho sếp của bạn khoảng 80 – 90% giá trị lao động bạn tạo ra.
Một trong những cách tốt nhất giúp bạn hoàn thành được nhiều việc hơn là hãy xác định những việc hiệu quả nhất trong từng lĩnh vực của cuộc sống và sau đó cố gắng thực hiện, bởi vì đó là những hoạt động sẽ mang lại sự bù đắp lớn nhất cho bạn về thời gian, năng lượng và sự tập trung mà bạn đã bỏ ra.
Advertisement
2. Ba lời khuyên hiệu quả nhất là những lời khuyên nhàm chán nhất
Tôi cho rằng đằng sau mỗi lời nói sáo rỗng là một sự thật mạnh mẽ đến mức mà mọi người cảm thấy bắt buộc phải lặp đi lặp lại nhiều lần các cụm từ ấy. Điều này cũng đúng với những lời khuyên về hiệu quả làm việc.
Trong suốt năm qua tôi đã thử kết hợp vô số những thói quen và phương pháp làm việc sao cho hiệu quả với cuộc sống của mình, nhưng cuối cùng, ba phương pháp có hiệu quả nhất là:
1. Ăn đủ chất
2. Ngủ đủ giấc
3. Tập thể dục
Những lời khuyên như thế này được lặp đi lặp lại thường xuyên đến nỗi nó bị mất đi gần hết tất cả ý nghĩa. Nhưng tin tôi đi, là một người đã thử nghiệm hàng trăm phương pháp để quản lý tốt hơn thời gian, năng lượng và sự tập trung của mình trong suốt trong thập kỷ qua: không có gì khiến tôi trở nên làm việc hiệu quả hơn là việc ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và tập thể dục.
3. Luôn luôn đặt câu hỏi để nhận được những lời khuyên làm việc hiệu quả
Có một số lời khuyên hữu hiệu đối với hầu hết mọi người: ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục và thiền định, nhưng mọi quy tắc đều có ngoại lệ.
Bạn hoàn toàn có thể không làm theo những lời khuyên của mọi người nếu bạn thấy không hiệu quả với mình. Nếu bạn thấy mình sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn khi bạn không thức dậy lúc 5:30′ mỗi buổi sáng ư? Vậy thì hãy cứ ngủ tiếp đi! Nếu thấy rằng bạn sẽ hoàn thành được nhiều việc hơn khi bạn không làm công việc quan trọng nhất khi mở mắt ra vào buổi sáng, thay vào đó bạn lại trả lời một loạt các email ư? Vậy thì hãy trả lời các email của bạn đi!
Thường có một sự thật mấu chốt đằng sau mỗi lời khuyên về cách làm việc hiệu quả và những lời khuyên mà đa phần mọi người đồng tình, nhưng cũng có rất nhiều lời khuyên sẽ không hiệu quả với bạn. Mọi người suy nghĩ khác nhau và có những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống, vì vậy không có lời khuyên nào về hiệu quả làm việc đúng với tất cả mọi người, vào bất cứ lúc nào.
4. Xây dựng thói quen tốt sẽ khiến bạn tự động làm việc hiệu quả hơn
Tôi cho rằng, một trong những cách tốt nhất để làm việc hiệu quả hơn là biến những hành động, kết quả của bạn thành thói quen để thực thi mọi việc một cách tự giác.
Theo Charles Duhigg, tác giả của cuốn “Sức mạnh của thói quen” thì 40 – 45% hoạt động hàng ngày của chúng ta là những thói quen tự giác. Hình thành một thói quen không phải chuyện dễ dàng và đôi khi phải mất một vài tháng để bạn biến một thói quen mới trở thành một phần trong cuộc sống, nhưng một khi hành vi mới trở thành thói quen, bạn sẽ tự động làm việc hiệu quả hơn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu làm thế nào để đưa các thói quen mới vào cuộc sống của mình, hãy tìm hiểu bài phỏng vấn của tôi với Charles. Hình thành thói quen mới không phải là một sớm một chiều, đặc biệt là khi bạn phải dùng ý chí của mình để bắt buộc bản thân phải thay đổi hành vi trước tiên, nhưng mọi chuyện sẽ dần trở nên dễ dàng hơn khi bạn tiếp tục cố gắng, cho đến cuối cùng bạn cũng tự động trở nên tự giác.
5. Ba yếu tố của một người làm việc hiệu quả là -thời gian, năng lượng và sự tập trung
Vào khoảng thời gian cuối của dự án, tôi nhận ra rằng mỗi bài tôi viết có thể được xếp vào một (hoặc nhiều hơn) ba loại: làm thế nào để quản lý tốt hơn thời gian, làm thế nào để quản lý tốt hơn năng lượng và làm thế nào để quản lý tốt hơn sự tập trung của bạn.
Tôi cho rằng cả ba yếu tố trên là hoàn toàn cần thiết nếu bạn muốn hiệu quả hơn trong mỗi việc bạn làm hàng ngày. Một số người có sự tập trung và nguồn năng lượng đáng kinh ngạc, nhưng họ lại không quản lý tốt thời gian của mình, vì vậy họ không làm việc một cách hợp lý và không hoàn thành được nhiều. Một số người lại quản lý thời gian rất hiệu quả và có rất nhiều năng lượng, nhưng họ lại liên tục bị phân tâm, do đó họ trì hoãn và cũng không được hoàn thành được nhiều việc. Một số người tập trung như một tia laze vậy và họ biết làm thế nào để quản lý thời gian tốt, nhưng họ lại không giỏi về quản lý nguồn năng lượng của mình, điều đó khiến họ trở nên chậm chạp và rồi cũng không làm được nhiều việc.
6. Không có một bí quyết duy nhất nào để làm việc hiệu quả, có cả trăm bí quyết ấy chứ!
Nếu chỉ có một bí quyết để trở nên hiệu quả hơn, tôi đã không tìm thấy nó trong năm mà tôi tiến hành thử nghiệm và khám phá hiệu quả làm việc của con người.
Ngược lại, những gì tôi khám phá ra là cả trăm bí quyết mà tôi có thể sử dụng để quản lý tốt hơn thời gian, năng lượng và sự tập trung của mình. Thật ra, tôi đã phát hiện nhiều bí quyết đến nỗi tôi phải tập hợp lại thành một danh sách gồm 100 bí quyết ưa thích khi tôi kết thúc một năm thử nghiệm.
Hiệu quả là một khái niệm rất rộng, bởi có rất nhiều yếu tố tạo nên nó. Có hàng trăm (nếu không phải hàng nghìn) các yếu tố quyết định bạn sẽ hoàn thành được bao nhiêu công việc hàng ngày, mỗi một trong số đó đều liên quan đến việc phải quản lý hiệu quả thời gian, năng lượng và sự tập trung của bạn.
Không phải chỉ có một bí quyết để làm việc hiệu quả– mà là có hàng trăm bí quyết!
7. Làm việc quá sức hoặc quá nhiều sẽ làm tiêu tan hiệu quả của bạn
Trong quá trình tiến hành dự án, tôi phát hiện ra rằng làm việc quá sức hoặc quá nhiều đã làm mất đi tính hiệu quả của công việc.
Để tiến hành một thí nghiệm về hiệu quả, tôi đã làm việc 90 giờ/một tuần trong một tháng, xen kẽ giữa làm việc 90 giờ của tuần này và 20 giờ của tuần tiếp theo. Thực tế, tôi phát hiện ra là tôi gần như hoàn thành một khối lượng công việc bằng nhau cả khi làm 90 giờ/một tuần và 20 giờ/một tuần, vì một lý do đơn giản là: khi tôi giới hạn bao nhiêu thời gian dành cho một nhiệm vụ, tôi buộc bản thân mình phải huy động nguồn năng lượng nhiều hơn cho khoảng thời gian ít hơn để có thể hoàn thành nó trong giới hạn thời gian cho phép. Khi tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc trong tuần có 90 giờ, tôi có xu hướng trì hoãn hơn, làm các những việc không quan trọng, vụn vặt và lãng phí thời gian hơn.
Điều gì xảy ra khi bạn làm việc quá sức và dồn quá nhiều năng lượng vào một nhiệm vụ? Bạn sẽ kiệt sức! (Thật thú vị, tôi đã không phát hiện ra bất kỳ tác dụng phụ nào khi dành nhiều sự tập trung hơn vào một nhiệm vụ, mặc dù tôi thấy rằng mức độ tập trung và năng lượng của bạn thường cùng tăng lên hoặc giảm xuống). Tôi cho rằng nguồn năng lượng cũng như nhiên liệu mà một người đốt cháy trong suốt cả ngày để hoàn thành công việc.
Khi bạn dồn quá nhiều năng lượng vào công việc mà lại không dành thời gian để nạp lại, hay nuôi dưỡng các mức năng lượng trong quá trình làm việc – bằng cách tập thể dục, nghỉ giải lao, ăn đủ chất hoặc đầu tư vào các phương pháp giảm stress – bạn sẽ hết nhiên liệu và kiệt sức đấy!
Làm việc quá sức hoặc quá nhiều sẽ hoàn toàn tiêu tan hiệu quả làm việc bởi nó sẽ cướp đi của bạn hai nguồn tài nguyên quý giá nhất: thời gian và năng lượng.
8. Cách tốt nhất để cảm thấy có động lực là phải biết tại sao bạn muốn hoàn thành công việc đó
Những người có động lực nhất (và cũng hiệu quả nhất nữa) là người không ngừng tự đặt câu hỏi cho bản thân: Tại sao mình lại đang làm việc này vậy?
Khi bạn tập trung vào làm nhiều việc hơn, chứ không phải là làm những việc tuân theo tiêu chuẩn bạn đặt ra và tin tưởng, bạn có thể khiến bản thân làm việc hiệu quả hơn trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài bạn sẽ cảm thấy ít hài lòng và kém hiêu quả hơn. Mấu chốt ở đây là xác định điều gì bạn coi trọng và điều gì thúc đẩy bạn mạnh nhất, sau đó nhận những nhiệm vụ phù hợp với tiêu chuẩn bạn đặt ra.
Chỉ vì bạn liên tục bận rộn và làm được nhiều thứ không có nghĩa bạn là người làm việc có hiệu quả – thực tế thì, điều ngược lại mới đúng. Năng suất không phải là việc bạn làm được bao nhiêu, mà là liệu bạn có đạt được mục đích mình đã đặt ra hay không.
Khi bạn ý thức được lý do tại sao bạn đang làm một cái gì đó, bạn sẽ có nhiều động lực hơn và do đó hiệu quả hơn hẳn.
Advertisement
9. Trở nên hiệu quả hơn sẽ vô nghĩa nếu bạn không đối xử tốt với bản thân
Để làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày không thể thiếu sự cố gắng, bạn cần phải đặt áp lực lên chính mình để thực hành tốt hơn, nhưng trong quá trình đó hà khắc với bản thân là điều hoàn toàn cần thiết trong khi bạn đang cố gắng để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.
Phải không ngừng nhắc nhở bản thân biết đối xử tốt với chính mình khi bạn đang cố gắng hoàn thành nhiều việc hơn. Khi 80% những gì bạn nói với chính mình ở trong đầu là tiêu cực, đối xử tốt với bản thân mỗi khi có cơ hội là điều rất quan trọng, nhất là khi bạn đang đặt áp lực hơn lên chính mình để trở thành một con người tốt hơn.
Làm những việc có ý nghĩa và hiệu quả rất quan trọng, và việc bạn biết làm thế nào để quản lý thời gian, năng lượng và sự tập trung của mình cũng quan trọng không kém để bạn có được những nguồn lực cần thiết hoàn thành nhiều việc hơn. Nhưng cuối cùng, khi không còn thời gian, năng lượng hoặc sự tập trung, thứ duy nhất ở lại là những gì bạn đã hoàn thành, và sự khác biệt bạn đã tạo ra trên thế giới này bởi vì bạn đã làm cho mỗi ngày trong cuộc sống của mình trở nên đáng giá.
Nguồn: Lifehacker.com
Tác giả: Chris Bailey
Xem thêm: