Vĩnh Long – vùng đất miền Tây oai hùng với huyền tích “Trận Cầu Vông” khiến lòng người mãi tự hào.
Một ngày đầu tháng Chạp, có dịp về quê hương Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), tôi dừng xe tại ngã ba An Nhơn (huyện Vũng Liêm) tự hào ngắm nhìn tượng đài gồm hai người cao hơn chục thước được xây dựng từ năm 2005. Đó là tượng đài tưởng nhớ công lao, tinh thần yêu nước quật cường của Đốc binh Lê Cẩn – thủ lĩnh trận đánh Cầu Vông cùng Nguyễn Giao – thuộc hạ tâm phúc của ông.
Ngắm nhìn tượng đài uy nghi, oai vệ mà nhân dân địa phương vô cùng tôn kính, tôi bồi hồi nhớ lại từng lời kể của các vị cao niên về huyền tích “trận Cầu Vông” của Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao và đây cũng là một trong những cách giải thích về xuất xứ của địa danh Vũng Liêm hiện nay.
Chuyện kể rằng, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai năm 1867, nhiều nghĩa sĩ đứng lên chống giặc nhưng đều thất bại. Bấy giờ, có ông Lê Cẩn nguyên là võ quan, làm đến chức Đề Đốc của triều Nguyễn nhưng chán ghét triều đình bất lực, tủi nhục trước cảnh đất nước bị xâm lược nên rời quan trường cùng Nguyễn Giao dấy binh khởi nghĩa.
Do có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, vũ khí nên trận đánh đầu tiên vào dinh quận của giặc đã thành công, giết được tên chủ quận Thực và 6 thuộc cấp. Sau sự kiện này, thực dân Pháp cử Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường về tìm cách chiêu dụ Lê Cẩn ra đầu hàng.
Lê Cẩn “tương kế tựu kế” gửi thư xin hàng cho tên Tham biện của Pháp ở Vĩnh Long là tên Alix Salicetti (dân gian Vĩnh Long quen gọi là tên Bồi Xê). Không hề nghi ngờ, Bồi Xê cùng tùy tùng đến đoạn gần cầu Vông, nơi hai ông Lê Cẩn – Nguyễn Giao hẹn để nộp vũ khí. Hắn vừa đến nơi, Đốc binh Lê Cẩn chống gậy tầm vông nhảy vọt qua đầu cầu, ôm tên Bồi Xê quật xuống đất rồi ôm vật nhau, rớt xuống sông và chết. Thi thể ông đã được tướng Nguyễn Giao và nghĩa quân đưa về, làm lễ tang điệu và an táng chu đáo. Nhưng phần mộ ông hiện nay chưa xác định ở đâu, một phần do cần giữ bí mật nơi an nghỉ của người lãnh tụ nghĩa quân, mặt khác để tránh sự trả thù của giặc. Còn Bồi Xê thì đầu bị bêu giữa đồng Láng Thé.
Ngày nay, tại Cầu Vông, một tấm bia Tưởng niệm được nhân dân Vũng Liêm trang trọng dựng nên để đời sau mãi nhớ tấm gương anh hùng, dũng cảm, bất khuất của các nghĩa sĩ Cầu Vông.
Câu chuyện chưa dừng ở đó, sử sách ghi rằng, sau thảm bại, Pháp cử tên Việt gian Trần Bá Lộc – một tên đại gian ác – đem lính về tàn sát dân chúng không thương tiếc. Sau lần thảm sát của tên Lộc, xác người chết đầy cả một vùng.
Truyền thuyết thuật lại rằng, vùng ấy trở nên linh thiêng: “Một vùng âm khí nặng nề, thê lương áo não, đêm đêm nghe như có hằng trăm, hằng ngàn tiếng ma kêu, quỷ khóc…” (“Vĩnh Long xưa”, Huỳnh Minh, trang 215). Vì vậy, người ta gọi nơi này là Vũng Linh – cái vũng linh thiêng. Sau này gọi trại thành Vũng Liêm cho đến ngày nay.
Hiện nay, cùng nằm trong quần thể khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một tượng đài hình ngôi sao năm cánh, cùng với tấm bia đề Di tích Hồ Vũng Linh được dựng lên gần bên bờ hồ trồng đầy hoa sen để ghi nhớ một dấu tích xưa với bao huyền tích mà mãi đến bây giờ, dù sống trong hòa bình, hạnh phúc nhưng mỗi khi nhắc đến, ai cũng không khỏi bàng hoàng và căm phẫn…
Đang miên man cùng huyền tích “trận Cầu Vông” bỗng nghe mấy câu vọng cổ ngọt ngào trong cơn gió thoảng: “Về Vũng Liêm nghe yêu mến thiết tha, một ngọn tầm vông xưa, một mũi chông tre đánh giặc. Một nghĩa trang, bao nấm mồ đồng chí cũng nói cùng ta về lẽ sống làm người. Đường về quê em xanh xanh triền lúa…” (“Vũng Liêm ơi, một khúc ca” của soạn giả Ngô Hồng Khanh), tôi giật mình quay về hiện tại. Ôi! Trải qua bao thăng trầm lịch sử, quê hương Vũng Liêm nghèo khó ngày nào giờ đã bừng sáng, đổi mới, phát triển từng ngày mãi tự hào với truyền thống nhân nghĩa, hiền hòa, tinh thần yêu nước nồng nàn không gì khuất phục được.